Friday, August 15, 2014

Doanh nghiệp suy nghĩ về gói hỗ trợ 50.000 tỉ

Đã 5 tháng trôi qua kể từ khi gói hỗ trợ doanh nghiệp BĐS lên tới 50.000 tỉ đồng được công bố, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn.

Doanh nghiệp “chê” gói 50.000 tỉ


Thực tế, nhiều doanh nghiệp BĐS dù có thiếu vốn đến mức nào cũng không mấy mặn mà với gói 50.000 tỷ bởi những mập mờ của nó. Gói liên kế 4 nhà này (ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, cung ứng vật liệu sản xuất) từng được hi vọng là “đòn bảy” giúp thị trường BĐS hồi sinh nhưng đến thời điểm hiện tại, nó đang bị rơi vào quên lãng. Thậm chí, mới đây, lãnh đạo một công ty xây dựng (xin không nêu tên) còn khẳng định, dù đã được đại diện gói 50.000 tỉ ngỏ lời hỏi thăm có nhu cầu vay hay không, nhưng sau khi tìm hiểu và bàn thảo kỹ lưỡng hợp đồng, lãnh đạo này đã thẳng thừng từ chối.

Lý do được đưa ra là "Tiền thì ngân hàng cho Công ty Thiên Thanh vay, tài sản thế chấp lại là của tôi, mục đích chỉ là giải ngân bán vật tư cho tôi. Tôi là người phải trả lãi tài sản của tôi và họ bán vật tư cho tôi thì họ có lời, mà họ chẳng mất gì cả. Như vậy thì họ cứu trợ cái gì, cho ai? ", vị lãnh đạo này bức xúc.

Gói 50.000 tỉ từng được coi là cứu cánh cho DN BĐS
Về cơ bản, gói liên kết 4 nhà này không phải là 1 giải pháp tồi trong bối cảnh BĐS vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Bởi dù doanh nghiệp thế chấp tài sản, không được giải ngân tiền nhưng sẽ được cung ứng toàn bộ vật liệu xây dựng trong khi thi công công trình. Như vậy, cũng không hoàn toàn là không hợp lý. Nhưng vấn đề là những ngân hang tham gia gói liên kết và cả doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng cũng như nhà thầu cần phải gây tạo uy tín và gây dựng niềm tin cho các chủ đầu tư. Trên thực tế, cả Ngân hang TMCP Xây dựng và Tập đoàn Thiên Thanh đều không làm được điều này.

Quá khó để lấy lại niềm tin?

Nhiều chuyên gia nhận định, trong tất cả những Ngân hàng tham gia gói cứu trợ này, Ngân hàng Xây dựng là ngân hàng gần như yếu nhất. Vậy tại sao lại để người yếu nhất làm "nhạc trưởng" và điều hành gói liên kết 50.000 tỉ?

Trong khi đó, Thiên Thanh không phải là công ty mạnh về cung ứng vật liệu xây dựng hoặc sản xuất vật liệu xây dựng. Tiền thân của công ty này là một cửa hàng cung ứng vật liệu xây dựng nhỏ tại TPHCM. Hiện tại, Thiên Thanh giống như cái “chợ” nhận vật tư của những đơn vị khác để phân phối lại.  Như vậy, nếu doanh nghiệp vay gói 50.000 tỉ đồng này, liệu có được cung ứng vật liệu xây dựng với mức giá rẻ hơn thị trường như cam kết từ phía đại diện của gói liên kết 4 nhà. "Thực ra, tôi nghĩ còn đắt hơn chứ không có chuyện giá rẻ hơn thị trường. Đơn giản, bởi từ trước tới nay, trên thị trường vật liệu xây dựng, tôi chưa từng nghe đến cái tên Thiên Thanh cho đến khi gói 50.000 tỉ xuất hiện và được công bố". Một chủ đầu tư dự án chung cư than thở.

Mới đây, một loạt lãnh đạo của Tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố và bắt tạm giam. Trong đó có ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng, người đã từng nổ rất to sau khi gói 50.000 tỉ được công bố, rằng " Đây sẽ là phao cứu sinh của thị trường BĐS" và ông Phan Thanh Mai, tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng.

Lãnh đạo của cả 2 đơn vị, Ngân hàng Xây dựng và Công ty Thiên Thanh đều đã dính vào vòng lao lý. Vậy gói 50.000 tỉ sẽ được tiếp tục vận hành ra sao?

Dù rằng, đã có những thay đổi nhanh chóng về nhân sự từ Ngân hàng TMCP Xây dựng ngay sau khi ông Phạm Công Danh, lãnh đạo đứng đầu tập đoàn Thiên Thanh và ông Phan Thanh Mai, tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng bị khởi tố và bắt tạm giam. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết hỗ trợ thanh khoản cho Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam và đảm bảo an toàn cho các khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng này. Nhưng từng đó là chưa đủ để lấy lại niềm tin từ các doanh nghiệp với gói liên kết 4 nhà trị giá 50.000 tỉ này.

Tùng Đỗ

0 comments:

Post a Comment